Trò chuyện với người phụ nữ đầy “chất”Huế này, chúng tôi nhận ra bà là người phụ nữ mạnh mẽ và hết lòng đam mê công việc.
Những ngã rẽ không tính trước
* Cơ duyên nào đưa bà đến với nghề kinh doanh địa ốc?
- Tôi là con gái út trong gia đình có 10 anh chị em. Nhà nghèo, lắm lúc phải ăn khoai mì thay cơm. Bố bệnh nên các anh chị em tôi phải tự bươn chải, phụ giúp mẹ. Có hôm tôi ngất xỉu tại trường học chỉ vì đói.
Năm 13 tuổi, tôi bỏ học đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Năm 15 tuổi, tôi gánh gạo mỗi ngày 10 cây số ra chợ bán. Năm 20 tuổi, tôi lấy chồng. Ba năm sau đó, nhờ số tiền chắt chiu dành dụm, vợ chồng tôi mở một cơ sở bán vật liệu xây dựng và vật tư nông nghiệp.
Công việc kinh doanh tốt, tôi mở thêm đại lý gạo và một cửa hàng tạp hóa cũng lớn nhất, nhì ở Thừa Thiên - Huế dạo ấy. Có ngày nhập về cả 10 chuyến hàng lớn.
Việc buôn bán đang thuận lợi, nhưng do tuổi đời còn trẻ, khi ấy tôi mới 24 tuổi, và quá tin người, cửa hàng của tôi bị phá sản và đổ nợ 80 triệu đồng, là khoản tiền vô cùng lớn. Tài sản duy nhất còn lại lúc bấy giờ là chiếc xe Honda đời 67 mà lúc nào cũng lo bị người ta xiết nợ.
Lúc đó, tôi chẳng thiết sống nữa, nhưng chồng tôi động viên “còn người là còn của”. Thấy tôi trắng tay, nợ nần chồng chất, mẹ ruột tôi nghèo chỉ giúp mấy con heo làm vốn.
Cũng từ việc bán mấy con heo đó, hai vợ chồng nghĩ ra việc mua heo bán lại cho lò mổ. Nhờ công việc này mà một năm sau tôi trả được hết nợ. Hai năm sau nữa bắt đầu có khoản để dành. Nhưng không chịu nổi cảnh phải sát sinh mỗi ngày nên tôi quyết định bỏ nghề.
Tôi gửi lại 3 đứa con lớn ở quê, rồi cùng chồng và 2 đứa nhỏ vào Nam với 60 triệu đồng trong tay. Đó là số tiền dành dụm trong 2 năm, cộng với tiền sang lò mổ và vay ngân hàng.
Đến Sài Gòn, tôi thuê một ki-ốt nhỏ 30m2 ở Thủ Đức vừa để bán tạp hóa, vừa làm nhà ở. Dù cửa hàng nhỏ, nhưng tôi mua kệ về trưng bày gọn gàng như siêu thị mini. Tôi đi Chợ Lớn, chợ Tân Bình... để lấy hàng cho đa dạng và có giá tốt. Khách quen thì tôi tặng thêm sản phẩm, giao hàng tận nhà. Có lẽ có duyên với nghề buôn bán nên cửa hàng bán đắt.
Đầu năm 2004, tôi chuyển về Bình Dương. Vay mượn thêm, tôi mua được một mảnh đất khoảng 300m2. Nơi thưa người, chẳng biết làm gì nên tôi mở quán cà phê tại Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát. Tôi phải tự mình làm hết mọi việc, từ pha chế đến bưng bê.
Thời ấy, khu vực này hoang vắng, người môi giới không nhiều, chỉ có khách là chủ đầu tư thăm đất. Họ ghé quán để nghỉ chân và trao đổi thông tin. Trong số đó có nhiều người hỏi thăm thông tin đất đai, tôi biết gì thì chỉ đấy. Rồi cứ thế, vô tình tôi trở thành nhà môi giới lúc nào không hay.
* Và bà đã chọn đất đai làm “cái nghiệp”?
- Có lẽ tôi may mắn và có duyên với đất đai. Dạo ấy, giới thiệu cho khách thành công, tôi được từ 1 - 2 triệu đồng. Đến khi tôi mua lô đất 300m2, hẹn chủ đất thanh toán trong 4 tháng, nhưng rồi thị trường lên cơn sốt nên tôi lời được 50 triệu đồng, hai vợ chồng đếm tiền mà chân tay run rẩy như vừa tìm lại của bị mất.
Thời điểm ấy, thị trường bất động sản Bình Dương sôi động và có nhiều dự án mới. Thế là tôi mở một văn phòng giao dịch bất động sản nho nhỏ. Tôi tư vấn cho khách hàng rất nhiệt tình.
Giá cả cạnh tranh và lấy sự chân thật làm nền tảng nên văn phòng của tôi tạo được uy tín, phát triển nhanh. Đến tháng 4/2009, tôi chính thức thành lập Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh, trụ sở đặt tại lô J53, đường NE8, Mỹ Phước III, huyện Bến Cát.
Sản phẩm thật, giá thật
* Theo bà, khách hàng mong đợi phẩm chất gì ở những người làm bất động sản?
- Đó là tính trung thực. Sản phẩm như thế nào thì mình phải nói đúng như vậy. Ví dụ như chỗ họ muốn mua gần trung tâm, tôi nói là gần trung tâm. Còn nếu nó ở đối diện nơi xử lý nước thải thì mình cũng phải nói đúng như thế, không thể nói khác được. Nói thật sẽ tạo được sự tin tưởng nơi khách hàng.
* Giá trị cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của Công ty Kim Oanh là gì, thưa bà?
- “Sản phẩm thật, giá thật”. Công ty của tôi chủ yếu là bán sản phẩm đất nền. Tôi mua sỉ, bán lẻ nên bán được với mức giá tốt, thị trường ít ai có được. Dù không lời nhiều nhưng sản phẩm bán được nhiều.
Sản phẩm của Kim Oanh đa dạng, 150 triệu đồng là có thể mua được một miếng đất nền đẹp. Năm 2010, Kim Oanh có siêu thị đất nền. Gọi là siêu thị bởi sản phẩm đa dạng và mức giá tốt như người ta đi các siêu thị và tin tưởng vào mức giá đã định sẵn mà không phải sợ.
Năm 2011, tôi nâng cấp lên thành siêu thị địa ốc vì không chỉ có đất nền mà còn nhiều dự án nhà ở, nhà phố và phân phối cho một số đơn vị khác.
* Trong phân khúc đất nền, Kim Oanh là công ty phân phối lớn nhất Bình Dương hiện nay. Nhưng trong thời điểm thị trường bất động sản đóng băng liệu Công ty có gặp trở ngại?
- Thị trường năm 2008 khó khăn, nhưng công ty của tôi vẫn sống tốt, dù lợi nhuận không nhiều. Hệ thống của Kim Oanh ngày càng được mở rộng. Tính đến giờ, Công ty đã có 6 sàn giao dịch, 4 sàn ở Bình Dương và 2 sàn ở TP.HCM. Nhân sự cũng lên đến 300 người. Vốn điều lệ cũng tăng 250 tỷ đồng.
Trong thời điểm khó khăn, nhưng các sàn giao dịch của tôi vẫn đông khách, tập trung đông ở khu vực Bình Dương vì tôi có chính sách giá tốt và nhiều ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng.
Hơn nữa, phân khúc ở thị trường Bình Dương tốt vì cơ sở hạ tầng của tỉnh tốt hơn một số tỉnh khác mà tôi đã đi khảo sát. Tính từ tháng 8 đến giờ, tôi đã thành công với 4 dự án lớn. Riêng dự án Golden City, mới công bố mà đã bán gần hết lượng sản phẩm. Có người còn chọc tôi là “bỏ bùa” nên mới bán chạy như thế.
Gia đình - đích ngắm cuối cùng
* Cuộc đời bà đã trải qua nhiều thăng trầm, bà nghĩ gì về thành công hôm nay?
- Đến thời điểm này thì tạm gọi thành công, nhưng theo định hướng chiến lược của Công ty thì chúng tôi còn nhiều việc cần hoàn thiện hơn, nhất là dịch vụ và đầu tư dự án bất động sản.
Trong kinh doanh tôi luôn đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu, luôn làm cho họ hài lòng. Làm nghề này, không ai dám khẳng định mình là tốt được. Có những lý do khách quan không lường trước được khiến mình chậm trễ với khách hàng.
Dẫu sao, lỗi cũng thuộc về phía Công ty nên tôi phải nhận lỗi trước và có cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhất. Có khách hàng đã từng phàn nàn, giờ thành người đồng hành của Kim Oanh.
* Thời gian rảnh bà thường làm gì?
- Tôi luôn bận bịu, hết việc này đến việc khác, chỉ khi nào mình muốn cắt việc thì tự mình cắt thôi. Một ngày mới của tôi bắt đầu từ 4g sáng, tôi đã quen như vậy. Thứ Bảy, Chủ nhật tôi càng bận, vì những ngày cuối tuần khách đến rất đông.
* Quên ăn, quên ngủ cũng vì công việc, liệu đó có phải là cách tận hưởng... cuộc sống của bà? Chồng bà có phàn nàn gì không?
- Tôi thấy mình có lỗi vì việc nhà chưa làm trọn vẹn. Ngày trước chồng tôi có trách móc, nhưng tôi chỉ muốn ôm hết mọi việc, không chia sẻ vì sợ làm anh ấy thêm mệt mỏi.
Lúc đầu anh không hiểu nhưng giờ thì anh ấy đã hỗ trợ tôi nhiều trong việc quản lý công ty. Tôi cũng đã hứa với chồng và các con là khi tìm được người quản lý và sắp xếp xong công việc công ty tôi sẽ dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
* Mong ước lớn nhất hiện giờ của bà là gì?
- Đó là thời gian cho gia đình và hoạt động từ thiện. Ngày còn bé, gia đình nghèo, thấy bạn bè cùng trang lứa có cuộc sống đầy đủ nên tôi nghĩ “nếu sau này giàu có, tôi sẽ giúp đỡ những người nghèo khổ như tôi”.
Trong quá trình làm việc, tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, tôi hiểu nỗi cơ cực của những người nghèo, những người kém may mắn trong xã hội nên tôi quyết tâm dù bận thế nào đi nữa, tôi cũng phải trích quỹ thời gian và ngân sách cho những hoạt động từ thiện.
Năm ngoái, tôi dành 2 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện. Nhưng dù có quyết tâm đến đâu, một mình tôi cũng không thể làm được nhiều mà cần có sự hỗ trợ từ nhân viên và các đối tác, khách hàng của mình.
* Xin cảm ơn bà về những chia sẻ!
Theo NGUYÊN HẰNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét