Marketing thông qua các kênh truyền thông xã hội

Trong thời gian gần đây, các kế hoạch tiếp thị, truyền thông sử dụng mạng xã hội (truyền thông xã hội, tiếng Anh là social media) được nhắc tới ngày một nhiều.

Không ít công ty đã đầu tư một cách ào ạt, không tính toán cho việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình thông qua các kênh truyền thông xã hội khác nhau.
Kết quả là thất bại như được dự báo trước và trên thực tế, số lượng các mạng xã hội tại Việt Nam “bám trụ” được trong vài năm là không nhiều.
“Để biến kênh truyền thông xã hội như một kênh tiếp thị hiệu quả, trước tiên phải nắm rõ về bản chất của loại hình truyền thông này. Cốt lõi của nó là tính xã hội, có nghĩa là các kênh truyền thông này phải thu hút được sự tham gia thường xuyên, tích cực và chủ động của những đối tượng cụ thể, chứ không chỉ do phía doanh nghiệp đơn phương vận hành với sự trợ giúp của công nghệ” chị Minh Vy, một chuyên gia marketing theo hướng truyền thông xã hội chia sẻ.

Vì sao một số mạng vẫn tồn tại và phát triển?

Tương tự như các trang thông tin điện tử, đa phần các mạng xã hội trong nước thường lấy tiêu chí số lượng đăng ký thành viên hoặc lượt truy cập để mời chào các nhà quảng cáo. Đương nhiên, ai cũng có thể lựa chọn quảng cáo cho một số ít người thực sự cần sản phẩm của mình hoặc quảng cáo cho cả tỉ người mà không cần biết họ có quan tâm tới sản phẩm của mình hay không.
Được xây dựng từ năm 2007, mạng xã hội Tamtay.vn hiện đã thu hút gần 700 ngàn thành viên. Anh Công Sơn – người phụ trách tamtay.vn cho biết mạng chủ trương tập trung thúc đẩy các hoạt động xã hội thông qua các sự kiện thi người đẹp như Hoa hậu Việt Nam 2008, các cuộc thi nữ sinh thanh lịch của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.
Theo anh, tổng số thành viên tham gia một mạng không phải là yếu tố quyết định để có thể thu hút khách hàng quảng cáo nên cách thức mà Tamtay.vn phát triển là tạo các nhánh nội dung nhỏ hơn lại nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng. Ví dụ, một số hãng áo cưới đã rất thành công trong việc lồng ghép hình ảnh thương hiệu và thông điệp marketing thông qua cuộc thi ảnh cưới trực tuyến “đám cưới của tôi” được tổ chức qua Tamtay.vn
Tồn tại trên mạng toàn cầu, có những mạng xã hội rất đặc biệt, có khi tập hợp chỉ vài trăm người cùng sở thích. Sở thích càng đặc biệt thì khả năng tiếp cận và bán hàng cho những đối tượng này lại càng cao (thị trường khe). Số đông những người thuộc mạng xã hội đó tất nhiên rất cần thông tin mà các nhà quảng cáo cung cấp. Họ tham gia mạng xã hội vì nhu cầu thông tin các loại dịch vụ đang cần và hơn thế, họ còn được tư vấn thông qua những trải nghiệm của các thành viên khác.
Tại Việt Nam cũng đã có những cộng đồng ảo định hình xung quanh nhiều sở thích khác nhau, chẳng hạn mạng dành cho những người yêu thích chụp ảnh photo.vn (hiện có khoảng hơn 5.000 thành viên), mạng dành cho các bà mẹ webtretho.vn, mạng tập hợp những người yêu thích công nghệ chất lượng cao hdvietnam.com (có khoảng 21 ngàn nick đăng ký)…
Chỉ cần thông qua vài câu lệnh tìm kiếm đơn giản qua các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo… doanh nghiệp có thể dễ dàng định vị các nhóm khách hàng tiềm năng trên mạng.

Tiếp cận khách hàng tiềm năng như thế nào?

Bạn có thể đặt banner quảng cáo, thu thập địa chỉ email của các hội viên và gửi email cho họ. Bạn cũng có thể phối hợp với đội ngũ quản trị của kênh để tài trợ tổ chức những sự kiện nhỏ. Thông qua những sự kiện này, hãy khuyến khích các thành viên chia sẻ thông tin về dịch vụ, sản phẩm của bạn tới các đối tượng khách hàng tiềm năng khác.
Để tăng cường tính tương tác, bạn có thể đăng ký thành viên của diễn đàn và chia sẻ với các thành viên khác về những lợi ích mà sản phẩm của bạn có thể mang lại cho người sử dụng. Theo một thành viên của photo.vn, các cộng đồng ảo hình thành trên cơ sở tự nguyện và rất nhạy cảm với những thông tin chia sẻ (post) mang hơi hướng quảng cáo.
Bạn nên lưu ý rằng tính chất nổi bật của các kênh truyền thông xã hội là tính mở và tính cộng đồng. Mạng xã hội là một sân chơi của mọi người, vì vậy thông điệp tiếp thị nên xuất hiện đúng chỗ và đúng lúc, mang tính gợi ý và tốt nhất là được sự tham gia bình phẩm một cách khách quan của nhiều thành viên khác.
Truyền thông xã hội bao gồm các kênh truyền tải nội dung trực tuyến được khởi tạo thôn gqua những công nghệ xuất bản để tiếp cận và dễ điều chỉnh.
Về cơ bản, truyền thông xã hội thay đổi cách thức con người phát hiện, đọc và chia sẻ thông tin. Nó như sự dung hoà của xã hội học và công nghệ, thay đổi cách truyền tải thông tin một chiều (từ một người tới nhiều người) thành truyền tải thông tin dạng đối thoại (nhiều người tới nhiều người). Giới kinh doanh còn ví truyền thông xã hội như những mô hình truyền thông với nội dung do chính người sử dụng hoặc khách hàng khởi tạo.

                                       
                                              Nguồn: Internet(lamgiau0kho)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lên đầu trang